Tập đoàn Phú Mỹ cùng với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ động thổ dự án cầu Việt Trì – Ba Vì theo hình thức BOT

Ngày 19/5, Tập đoàn Phú Mỹ và Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức động thổ dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì – Ba Vì với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1.500 tỷ đồng làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngày 19/5, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức động thổ dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì – Ba Vì với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1.500 tỷ đồng do Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Công trình mang ý nghĩa đặc biệt

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức xây dựng và đưa vào khai thác hàng loạt công trình, dự án giao thông quan trọng bằng các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nhiều dự án được thực hiện bằng hình thức BOT, góp phần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1486 ngày 27/4/2014 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì – Ba Vì theo hình thức BOT do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty BOT cầu Việt Trì – Ba Vì cho biết, dự án có tổng chiều dài 9,46km bao gồm cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu được xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) và phường Thọ Sơn (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Cụ thể, phần cầu chính Việt Trì – Ba Vì vượt sông Hồng có chiều dài 1,55km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km.

 

“Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư cam kết huy động tối đa các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình. Ngay sau khi động thổ, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu tiến hành triển khai ngay các công việc cụ thể để thi công các hạng mục của dự án. Tôi tin tưởng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải và chính quyền hai địa phương thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2016”.

“Công trình có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là cây cầu duy nhất nối liền Thủ đô Hà Nội với vùng đất Tổ Hùng Vương, nơi xưa là Kinh đô đầu tiên của người Việt. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 20km so với trước đây, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua”, ông Nghĩa nói.

Căn cứ thiết kế được phê duyệt, điểm đầu của dự án sẽ kết nối với QL32 tại lý trình Km59+500 (cách đầu cầu Trung Hà về phía Hà Nội khoảng 3,5km) thuộc địa phận xã Phú Sơn (huyện Ba Vì), điểm cuối tại khu vực giao với QL32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn (Thành phố Việt Trì).

Với tổng chiều dài 1.557m, cầu Việt Trì – Ba Vì có bề rộng 12m bao gồm hai làn xe cơ giới rộng 7m, hai làn xe hỗn hợp rộng 4m và gờ lan can hai bên rộng 1m. Kết cấu của cầu chính gồm 6 nhịp dạng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Phần cầu dẫn được thiết kế dạng dầm Super “T”, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

“Cũng giống như cầu chính, phần đường dẫn hai đầu của dự án cũng được thiết kế với bề rộng 12m gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp. Với năng lực của nhà đầu tư và bề dày kinh nghiệm thi công của các nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông, chúng tôi hoàn toàn đảm bảo tiến độ và chất lượng cho công trình này”, ông Nghĩa khẳng định.

Cầu Việt Trì – Ba Vì được xây dựng với quy mô hai xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp (Ảnh phối cảnh dự án)

Cam kết đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án

Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn 1) là 1.463 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 885 tỷ đồng. Với chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng và khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP, Tập đoàn Phú Mỹ đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ định làm nhà đầu tư của dự án. Do đó, nhà đầu tư sẽ huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để triển khai dự án và thực hiện hoàn vốn thông qua thu phí.

Ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch Tập đoàn Phú Mỹ cho biết, doanh thu thu phí để tính hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở lưu lượng xe, thời gian dự kiến thu phí từ quý I năm 2017. Hiện nay, nhà đầu tư dự kiến sử dụng Trạm thu phí đặt tại phía Hà Nội ở lý trình Km7+160, cách đầu cầu phía Hà Nội khoảng 500m để thu phí hoàn vốn cho công trình trong khoảng thời gian 21 năm 1 tháng.

Đánh giá về vai trò và ý nghĩa của dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau khi dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung. Đặc biệt, khi cầu Việt Trì – Ba Vì được đưa vào khai thác sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải ngày càng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến QL32 và QL32C.

Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định, công trình không chỉ kết nối thông suốt giữa thành phố Việt Trì với Thủ đô Hà Nội mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hai địa phương nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch tại các khu di tích tâm linh nổi tiếng như: Quần thể di tích Đền Hùng, quần thể khu di tích Đền Thượng, Đền thờ Bác Hồ tại Vườn quốc gia Ba Vì và các khu du lịch khác như: Ao Vua, Đầm Long, Suối Tiên, Thiên Sơn Suối Ngà…