HÀ NỘI ĐỐI THOẠI, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Sáng 6/11, Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Cùng tham dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng và đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Khái quát tình hình kinh tế xã hội 10 tháng năm 2021 của thành phố Hà Nội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Kết quả cho thấy, Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đứng thứ hai toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Tổng sản phẩm GRDP của thành phố 9 tháng năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 76% nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong thời gian qua được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn, việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn…

6 nhóm vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội

Tại hội nghị cộng đồng các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề như sau:

Thứ nhất là miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh.

Thứ 2 cộng đồng các doanh nghiệp  mong muốn được hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

Thứ 3 về công tác phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vắc-xin (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động.

                        Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng phát biểu tại hội nghị

Thứ 4 về bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021.

Thứ 5 hiện nay chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này; đồng thời tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc.

Thứ 6 cộng đồng các doanh nghiệp mong muốn các chính sách có tính chất lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh các vấn đề cấp thiết như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh… thì cần có các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Nội lực đến từ doanh nghiệp trong nước

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế.

                                                   Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền Thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của Thành phố.

Các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.